27 lượt xem

Cơ chế hình thành và phát triển của ung thư

Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay, bắt nguồn từ sự biến đổi bất thường của tế bào trong cơ thể. Những thay đổi này có thể liên quan đến yếu tố di truyền, quá trình lão hóa tự nhiên hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây hại như khói thuốc lá, tia cực tím và rượu bia. Hiểu rõ về cơ chế hình thành và phát triển của ung thư sẽ giúp chúng ta có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

Cơ thể con người được cấu tạo từ hàng triệu tế bào, mỗi tế bào đều chứa DNA, nơi lưu trữ thông tin di truyền. DNA này điều khiển mọi hoạt động của tế bào, từ phát triển, phân chia cho đến quá trình chết đi. Thông thường, các quá trình này diễn ra một cách có trật tự và được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, khi có sự hư hỏng hoặc thay đổi trong DNA, các gene có thể bị đột biến, dẫn đến tình trạng tế bào phát triển và phân chia không kiểm soát, từ đó hình thành nên tế bào ung thư.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư. Ảnh: Khuê Lâm

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Ảnh: Khuê Lâm

Tế bào ung thư có những đặc điểm khác biệt so với tế bào bình thường. Chúng có khả năng phân chia không kiểm soát, né tránh hệ thống miễn dịch và không tuân theo các tín hiệu ngừng phân chia hoặc chết theo chu trình. Những tế bào này không dính chặt vào nhau, cho phép chúng có thể di chuyển sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua hệ thống mạch máu hoặc bạch huyết, từ đó gây tổn hại cho các mô và cơ quan.

Khi tế bào ung thư tiếp tục phân chia, chúng tạo ra hàng triệu tế bào mới, hình thành nên khối u. Ban đầu, khối u có thể nhỏ và không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng khi phát triển, nó có thể lớn lên và làm cho các tế bào ung thư dần xa rời các mạch máu cung cấp oxy và dưỡng chất, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Để khắc phục điều này, tế bào ung thư sẽ tiết ra các tín hiệu kích thích sự hình thành mạch máu mới, giúp cung cấp đủ dưỡng chất cho sự phát triển của khối u.

Tế bào ung thư cũng có khả năng sản xuất các enzyme phá hủy mô xung quanh, từ đó lan rộng ra. Chúng có thể tách ra khỏi khối u ban đầu, xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu hoặc bạch huyết và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, hình thành các khối u mới, được gọi là di căn. Quá trình di căn này làm cho việc điều trị trở nên phức tạp hơn và giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, ung thư có thể di căn đến bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là hạch bạch huyết, xương, não, gan và phổi. Bác sĩ sẽ dựa vào thông tin về khối u tại chỗ, hạch tại vùng và vị trí ung thư di căn xa để xác định giai đoạn bệnh. Việc hiểu rõ cách ung thư lan rộng sẽ giúp bác sĩ dự đoán khả năng phát triển của bệnh và lập kế hoạch điều trị phù hợp.

Mặc dù không phải tất cả các loại ung thư đều có thể phòng ngừa, nhưng việc nhận thức và giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc với tia UV, chế độ ăn uống không lành mạnh và ít vận động. Tiêm vaccine cũng là một biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa một số virus có thể gây ung thư như HPV và viêm gan B.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên và tránh tiếp xúc với các chất gây ung thư để giảm nguy cơ phát triển bệnh. Tầm soát ung thư định kỳ cũng là một phần quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả hơn. Dựa trên tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý trong gia đình và thói quen sinh hoạt, bác sĩ có thể dự đoán những loại ung thư mà người bệnh có nguy cơ mắc cao và đưa ra phương án tầm soát phù hợp.

Hoài Phạm

Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh ung thư để được các bác sĩ giải đáp.