4 lượt xem

Uống thuốc nam ‘ngừa’ bệnh dại, bé trai nguy kịch

Lạng SơnSau khi bị chó cắn, bé trai 13 tuổi được gia đình cho uống thuốc nam, không tiêm phòng hay theo dõi con chó, kết quả mắc bệnh dại, điều trị không tiến triển.

Ngày 14/5, đại diện Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho biết bệnh nhi hiện được tiên lượng nguy cơ tử vong cao, gia đình xin dừng điều trị.

Khi nhập viện, tình trạng cháu bé rất nặng, mệt mỏi nhiều, ăn kém, sốt cao liên tục. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn – suy hô hấp độ 3, kèm mắc bệnh dại. Các bác sĩ cho thở máy, truyền kháng sinh, sử dụng thuốc vận mạch, nhưng không cải thiện.

Theo lời kể gia đình, bé bị chó cắn từ hai tháng trước, song người nhà không đưa trẻ đi tiêm vaccine, mà cho uống thuốc nam để ngừa bệnh.

Minh họa một chú chó dữ. Ảnh: Pexel

Minh họa một chú chó dữ. Ảnh: Pexel

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây nên, lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Các biểu hiện lâm sàng trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).

Bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu và nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, các khuyến cáo phòng chống bệnh hiện nay đều kêu gọi người dân tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn, đồng thời tiêm vaccine cho vật nuôi. Can thiệp sớm trước khi bệnh dại khởi phát và dự phòng bệnh trong cộng đồng giúp bảo vệ nhiều sinh mạng trước căn bệnh này.

Không máy bị chó mèo cắn, cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch, sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ.

Thúy Quỳnh