2 lượt xem

Những hiểu nhầm khiến trẻ bỏ lỡ vaccine

Bình DươngNhiều phụ huynh chưa có đầy đủ thông tin, lo lắng về phản ứng sau tiêm, quan niệm trẻ mắc bệnh là bình thường nên còn chần chừ chưa cho con tiêm chủng.

Những lo ngại và băn khoăn trên được phụ huynh chia sẻ trong chương trình tư vấn phòng bệnh truyền nhiễm bằng vaccine tại Trạm Y tế phường Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương. Chương trình nằm trong chuỗi tư vấn giáo dục cộng đồng, nâng cao kiến thức về vaccine và tiêm chủng bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng sâu vùng xa, do Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức vừa qua.

Chị Tiếng, 27 tuổi, phường Hòa Lợi, có hai con 7 tuổi và 9 tháng tuổi, chưa tìm hiểu về các loại vaccine phù hợp với độ tuổi của các con. Khi nhà trường khuyến cáo tiêm cúm cho con trai 7 tuổi, chị lo lắng con không đủ khỏe để tiêm phòng.

Còn anh Văn Út, phường Hòa Lợi, cũng có cân nhắc về việc tiêm các vaccine khác ngoài chương trình Tiêm chủng mở rộng cho con gái 8 tháng tuổi khi được tư vấn. Bé bị dị tật bẩm sinh hở hàm ếch và khều tay, hay bị dị ứng thực phẩm và sữa, sức khỏe yếu. Ưu tiên của anh chữa dị tật cho con trước, chưa quan tâm nhiều đến vaccine.

Gia đình anh Tuấn nghe tư vấn chương trình tiêm vaccine trước, trả chi phí sau của VNVC. Ảnh: Mộc Miên

Gia đình anh Tuấn nghe tư vấn chương trình "tiêm vaccine trước, trả chi phí sau" của VNVC. Ảnh: Mộc Miên

Anh Nguyễn Văn Tuấn, 28 tuổi, phường Hòa Lợi, là tài xế xe ôm công nghệ, thường đưa con gái 12 tháng tuổi tiêm vaccine khi phường xã phát động. Gia đình chưa tiếp cận chương trình tiêm chủng dịch vụ vì có thu nhập không ổn định, đồng thời chưa có thông tin về các chương trình hỗ trợ tiêm chủng dịch vụ. Khi biết hiện VNVC có chương trình trả góp gói vaccine đến 12 tháng, hỗ trợ không lãi suất, anh Tuấn cho hay sẽ tìm hiểu để tiêm chủng cho con.

Một số phụ huynh cho biết "lo con tiêm vaccine về sẽ sốt", hoặc "chỉ người sống ở vùng dịch mới cần tiêm"… Họ chờ tiêm vaccine miễn phí trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng, còn những vaccine nằm ngoài chương trình như cúm, não mô cầu, sốt xuất huyết, phế cầu, họ "chưa nắm được thông tin".

Một số khác quan niệm chỉ cần tiêm vaccine trong Tiêm chủng Mở rộng, còn bệnh đã có vaccine nhưng chưa được đưa vào Tiêm chủng mở rộng "ít nguy hiểm hơn". Bên cạnh đó, cũng có phụ huynh cho rằng con từng mắc các bệnh như sởi, sốt xuất huyết, viêm phổi, viêm phế quản nên đã có sức đề kháng với bệnh, không cần tiêm vaccine nữa.

Trẻ tiêm chủng phòng bệnh tại Trạm Y tế Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: Mộc Miên

Trẻ tiêm chủng phòng bệnh tại Trạm Y tế Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương. Ảnh: Mộc Miên

Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhiều phụ huynh thường lo lắng về tác dụng phụ của vaccine trước khi cân nhắc tới lợi ích tiêm chủng. Việc này dẫn đến tâm lý ngần ngại hoặc từ chối tiêm, bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh.

Theo bác sĩ Phong, các phản ứng sau tiêm như nóng sốt, sưng đỏ tại vết tiêm là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang đáp ứng tốt với vaccine và thường tự khỏi sau 1-2 ngày. Vì vậy, gia đình không nên quá lo lắng, tiếp tục chăm sóc trẻ bằng cách cho uống đủ nước, mặc quần áo thoáng mát, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu có. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường như co giật, ngủ li bì, bỏ bú, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Người dân được nhân viên VNVC tư vấn về các loại vaccine phòng bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Ảnh: Mộc Miên

Người dân được nhân viên VNVC tư vấn về các loại vaccine phòng bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Ảnh: Mộc Miên

Đối với quan niệm trẻ không cần tiêm vaccine hoặc không cần tiêm nhắc, bác sĩ Phong cho biết việc này sẽ tạo ra "khoảng trống miễn dịch", suy giảm khả năng bảo vệ bền vững của vaccine đối với chính em bé và cộng đồng. Do đó, bác sĩ Phong khuyến cáo gia đình nên cập nhật thường xuyên lịch tiêm của con, đưa trẻ chủng ngừa đầy đủ cả vaccine trong Tiêm chủng Mở rộng và dịch vụ.

Trong hai năm đầu đời, trẻ cần bổ sung các loại vaccine gồm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, bại liệt; vaccine phế cầu phòng viêm phổi, viêm màng não; vaccine phòng bệnh do não mô cầu; tiêu chảy cấp do rotavirus, viêm não Nhật Bản, cúm, sởi, rubella, quai bị, thủy đậu, tả, thương hàn. Khi trẻ tròn 4 tuổi, cần tiêm vaccine sốt xuất huyết để phòng các bệnh do muỗi truyền. Khi phát hiện quên lịch tiêm, phụ huynh nên nhanh chóng đưa bé tiêm chủng sớm nhất có thể.

"Chi phí tiêm chủng thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị nếu trẻ mắc bệnh, vì vậy phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ và kịp thời", bác sĩ Phong cho biết.

Quang Anh