2 lượt xem

Những bệnh lý khiến trẻ sơ sinh thở khò khè

Trẻ sơ sinh thở khò khè có thể là biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp, bất thường bẩm sinh về thanh quản, tim mạch, tiêu hóa… cần điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Nhữ Thị Ngọc, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tiếng thở ồn là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là hiện tượng trẻ phát ra âm thanh khác lạ khi đang ngủ hoặc đang bú. Phụ huynh có thể nhận biết được tình trạng này bằng cách áp tai gần miệng hoặc mũi của trẻ.

Thở khò khè hoặc khụt khịt mũi chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường, tự cải thiện khi trẻ lớn lên. Do đường thở trên của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, kích thước nhỏ dễ bị tắc nghẽn bởi dịch tiết đường hô hấp, sữa hoặc niêm mạc bị khô, gây rung động các mô mềm, tạo ra âm thanh khi hít thở.

Tuy nhiên, một số trường hợp biểu hiện thở khò khè có thể do các tiểu phế quản bị hẹp do sưng, phù nề, tăng tiết dịch trong bệnh lý viêm tiểu phế quản cấp. Đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, chủ yếu do virus gây ra, thường xảy ra khi giao mùa hoặc trời chuyển lạnh. Một số trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản khiến trẻ hít phải một lượng nhỏ chất lỏng. Dịch dạ dày có tính axit trào ngược vào đường hô hấp gây kích thích, sưng nề niêm mạc họng, thanh quản và tăng tiết dịch, dẫn đến thở khò khè, nhất là sau ăn.

Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ có cấu trúc thượng thanh môn mềm, làm thanh quản bị xẹp vào trong, cũng dẫn đến hiện tượng trẻ thở rít khi hít vào, tăng lên khi trẻ bú hoặc khóc. Phần lớn các trường hợp thường cải thiện dần sau 6-12 tháng khi đường thở phát triển. Nếu trẻ có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân như khói bụi, khói thuốc lá…, cơ thể cũng sẽ tiết ra nhiều dịch đờm và nhầy tích tụ lại gây tắc nghẽn đường thở. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện do các nguyên nhân ít gặp khác như có dị vật trong đường hô hấp, dị tật đường thở bẩm sinh, bệnh tim mạch bẩm sinh, có khối u ở vùng đầu mặt cổ hoặc hệ hô hấp…

Trong các trường hợp bệnh lý, trẻ thở khò khè kéo dài, thường xuyên và kèm theo các biểu hiện như thở nhanh, gắng sức, rút lõm lồng ngực khi thở, cánh mũi trẻ có thể phập phồng, môi tím tái. Trẻ có thể ho dai dẳng, ho khan hoặc có đờm, sốt cao, bú kém hoặc bỏ bú, ngủ li bì hoặc quấy khóc liên tục.

Điều dưỡng khoa Sơ sinh chăm sóc cho một bé sinh non. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Điều dưỡng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chăm sóc cho một bé sinh non. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Ngọc khuyên phụ huynh nên theo dõi sát, nếu con không có các biểu hiện nguy hiểm, có thể chăm sóc bé tại nhà. Người chăm sóc cần giữ vệ sinh đường thở cho bé và tránh các yếu tố kích thích như khói thuốc, bụi mịn. Phụ huynh có thể dùng dụng cụ hút mũi chuyên dụng và nước muối sinh lý vệ sinh mũi để làm thông thoáng đường thở của bé. Lưu ý nên thực hiện đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cho bé bú đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức đề kháng. Giữ vệ sinh không gian sống, duy trì độ ẩm trong phòng ở mức 40-60%. Giữ ấm cho trẻ vào những hôm trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ, ngực, mũi. Tránh để máy lạnh, quạt hướng thẳng vào người trẻ khi trời nóng. Phụ huynh cần rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn chuyên dụng trước khi tiếp xúc, chơi đùa, chăm sóc bé. Tránh cho bé đến những nơi đông người, trường hợp bé cần ra ngoài, bạn nên đeo khẩu trang cho con.

Nếu thở khò khè kéo dài trên một tuần mà không cải thiện hoặc có dấu hiệu bất thường kèm theo như sốt, bỏ bú, quấy khóc bất thường…, phụ huynh cần đưa bé đi khám sớm. Tránh tự ý dùng thuốc tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp