Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác minh thông tin sữa Milo của công ty Nestlé "gắn mác Viện Dinh dưỡng trên bao bì quảng cáo".
Ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm có công văn gửi Viện Dinh dưỡng và Sở Y tế Đồng Nai yêu cầu như trên sau khi nhận được phản ánh sản phẩm Nestlé Milo được quảng cáo có nội dung liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng. Cơ quan này yêu cầu Viện Dinh dưỡng khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay đơn vị đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình. Đề tài được tiến hành từ tháng 6/2022 đến 3/2023, phương pháp nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học ở Ninh Bình. Đề tài nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở.
Theo đó, sản phẩm "không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau ba tháng nghiên cứu". Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung Sữa lúa mạch Nestlé Milo cũng "không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực".
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực Sữa lúa mạch Nestlé Milo cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.
Lãnh đạo Viện Dinh dưỡng cho biết đã yêu cầu công ty Nestlé rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm. "Nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định, đề nghị gỡ bỏ ngay", đại diện Viện cho hay.
Nestlé Milo gắn tên Viện Dinh dưỡng trên bao bì quảng cáo. Ảnh: Lê Nga
Hôm 15/5, Nestlé Việt Nam dẫn lại kết quả nghiên cứu trên, cho biết trước khi thông tin về kết quả cũng như lợi ích của sản phẩm trên bao bì và qua quảng cáo, công ty đã xem xét các quy định pháp lý. Theo đó, công ty cho rằng "sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo và trường hợp bị cấm quảng cáo". Do đó, Nestlé khẳng định việc "truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan".
Vụ việc đang được các đơn vị kiểm tra, chưa có kết luận.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc thực phẩm vi phạm quy định về quảng cáo như quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, quảng cáo không đúng nội dung trong bản công bố sản phẩm… Một số thầy thuốc, nhân viên y tế, kể cả người đã về hưu, bị phát hiện tham gia quảng cáo nhiều sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm giả. Đầu tháng 5, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế cả nước kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ, không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm_._ Việc sử dụng bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm cũng bị cấm.
Lê Nga