Hà NộiChị Hạnh, 48 tuổi, nặng 61 kg, khó thở, bác sĩ chẩn đoán rối loạn nhịp tim, phải giảm cân để ngăn biến chứng.
Chị Hạnh tăng cân nhanh sau sinh, áp dụng nhiều cách giảm cân đều thất bại, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Lúc này, chị cao 1,52 m, nặng 61 kg, béo phì độ một (chỉ số BMI 26.4 kg/m2), diện tích mỡ nội tạng 150 cm2 (an toàn là dưới 100 cm2), rối loạn lipid máu.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng tim mạch ghi nhận hở van hai lá nhẹ, không có rối loạn vận động thành tim. Thạc sĩ, bác sĩ Ân Tuấn Đạt, khoa Tim mạch, cho biết chị Hạnh có tình trạng ngoại tâm thu thất. Đây là hiện tượng tim co bóp sớm do ổ phát nhịp bất thường ở tầng thất, làm rối loạn nhịp bình thường của tim. Người bị ngoại tâm thu thất có một nhịp bình thường, một nhịp phụ, một khoảng dừng nhẹ, sau đó là một nhịp mạnh hơn bình thường. Tim phải nạp nhiều máu hơn trong thời gian tạm dừng để tạo thêm lực cho nhịp đập tiếp theo.
Kết quả siêu âm tim của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bệnh còn lượng mỡ nội tạng rất cao – loại mỡ bao quanh các cơ quan trong ổ bụng. Khác với mỡ dưới da, mỡ nội tạng hoạt động như một tuyến nội tiết, tiết ra các cytokine và adipokine – các chất trung gian gây viêm. Mỡ lắng đọng ở tim có thể gây viêm ngay tại cơ tim, ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền điện học, từ đó gây ra tình trạng nhịp tim bất thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, nếu không kiểm soát tốt béo phì, các biến chứng tim mạch dễ tiến triển nặng, làm giảm chất lượng sống, tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ chỉ định chị Hạnh sử dụng thuốc giảm cân đường tiêm giúp tăng cảm giác no và chậm quá trình làm rỗng dạ dày, kết hợp thuốc giúp kiểm soát rối loạn lipid máu.
Chị Hạnh được bác sĩ Ngọc kiểm tra tình trạng sức khỏe khi tái khám. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Người bệnh cần kiểm soát năng lượng nạp vào nhưng không ăn kiêng cực đoan như nhịn bỏ bữa vì dễ gây tụt đường huyết, làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim. Chị cần giảm muối tiêu thụ dưới 5 g một ngày (khoảng một thìa cà phê), tránh món mặn, thực phẩm chế biến sẵn, ưu tiên protein nạc. Tổng lượng calo của chị được điều chỉnh giảm dần so với nhu cầu hằng ngày để đảm bảo giảm cân bền vững từ 0,5 kg đến 1 kg mỗi tuần.
Về vận động, người bệnh được chuyên viên thiết kế bài tập tránh các động tác gắng sức hoặc thay đổi tư thế đột ngột, góp phần đốt mỡ toàn thân nhưng không làm tăng nặng tình trạng rối loạn nhịp. Chị không tập luyện khi đói hoặc sau khi ăn no và ngừng tập ngay nếu thấy dấu hiệu chóng mặt, hồi hộp, đau ngực, khó thở.
Sau gần hai tháng điều trị béo phì, chị giảm 4 kg, tình trạng rối loạn lipid máu, mỡ tạng cải thiện, giảm tần suất các cơn rối loạn nhịp. Theo bác sĩ Ngọc, thời gian tới, chị Hạnh cần tiếp tục tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám sau 4-6 tuần để đánh giá lại chỉ số thành phần cơ thể, kiểm tra tình trạng tim mạch, chức năng thận để kịp thời điều chỉnh phác đồ.
Minh Đức
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp