1 lượt xem

Cấp cứu người vô danh

Chàng trai 20 tuổi "cách cái chết trong gang tấc" do dập não, không có thân nhân, bác sĩ Thuần vẫn quyết định phẫu thuật, cam kết "chịu trách nhiệm" để cứu người.

Bệnh nhân được người qua đường đưa vào Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) hồi cuối tháng 4, trong tình trạng hôn mê sâu, nồng nặc mùi rượu, không giấy tờ tùy thân, ví rỗng, điện thoại đã vỡ.

PGS.TS. BS Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm Khoa, yêu cầu kíp kiểm tra chỉ số sinh tồn, đặt đường truyền, làm xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân bị ngã do tai nạn giao thông sau khi uống rượu, kết quả kiểm tra phát hiện chấn thương sọ não, kèm đột quỵ. Nạn nhân cần cấp cứu ngay, "nếu không sẽ tử vong trong tích tắc".

Tuy nhiên, chàng trai không rõ danh tính, hồ sơ nhập viện ghi "vô danh", và không có người đại diện ký cam kết phẫu thuật. Lúc này, bác sĩ có thể từ chối can thiệp chuyên sâu vì rủi ro pháp lý rất lớn. Xung quanh, ê kíp chần chừ, thảo luận "không có người nhà, không ký cam kết, có chuyện gì ai chịu trách nhiệm". Song, "một giây lúc này còn quý hơn vàng", bác sĩ Thuần nói, quyết định đẩy bệnh nhân vào phòng mổ, đồng thời báo cáo với lãnh đạo bệnh viện và phòng công tác xã hội để tìm thân nhân cho người đàn ông.

"Nếu không can thiệp, bệnh nhân sẽ chết trong cô độc, vô cùng bất hạnh và ám ảnh", bác sĩ Thuần chia sẻ, hôm 14/5. Với mỗi bác sĩ, quyết định này không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là lời nhắc nhở về vai trò "gác cổng" sinh tử cho một con người. Hiện, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, điều trị hồi phục, tên cũng được điều chỉnh từ "vô danh" thành đầy đủ tên họ sau khi bệnh nhân đã tỉnh táo và người nhà có mặt tại bệnh viện.

Y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy

Y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy

Trường hợp này không phải hiếm gặp. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nam thanh niên 30 tuổi, sau tai nạn giao thông do uống rượu, nhập viện trong trạng thái hôn mê, không người thân. Áp lực thiếu giấy tờ, viện phí lớn, cùng nguy cơ pháp lý có thể khiến cuộc mổ bị trì hoãn. Tuy nhiên TS.BS Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, vẫn kiên quyết đưa bệnh nhân vào phòng mổ, tự ký cam kết chịu trách nhiệm.

Tương tự, người đàn ông khoảng 60 tuổi, ở TP HCM, nhập viện do nhồi máu não, không có thân nhân lẫn khả năng chi trả. Trong khi điều kiện y khoa cho phép lấy huyết khối để cứu sống, nhưng thiếu tờ cam kết và kinh phí có thể trở thành vật cản. "Nếu điều trị không thành công, sự xuất hiện trễ của người thân cũng đủ để đẩy bác sĩ và bệnh viện vào vòng chất vấn", PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, chia sẻ. Dẫu vậy, quyết định cứu người vẫn được đặt lên trên hết.

Trong Khoa Cấp cứu, nơi thời gian là tính mạng, các bác sĩ liên tục phải đối mặt với những quyết định sinh tử. Giữa những ca bệnh dồn dập, y bác sĩ nhiều lần phải giằng xé đưa ra quyết định điều trị người bệnh vô danh. Tại Khoa đột quỵ, Bệnh viện 103, mỗi năm tiếp nhận từ một đến hai ca. Ngoài ra, một số trường hợp biết họ tên nhưng chỉ liên lạc được người nhà qua điện thoại, khoảng 7-8 ca. Các viện khác như Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện ĐH Y… hay Chợ Rẫy, 115 ghi nhận con số tương tự lên đến hàng chục người mỗi năm.

Các bác sĩ cho biết, hai áp lực chính với đội ngũ y tế khi tiếp nhận ca bệnh vô danh là quyết định "có hay không nên can thiệp chuyên sâu", thứ hai là viện phí.

"Trong đó áp lực y khoa, cứu hay không là nặng nề hơn cả", bác sĩ Thuần nói. Bởi, trường hợp không danh tính thường không nắm được tiền sử bệnh, thông tin cá nhân, "mỗi chỉ định là một canh bạc". Nhiều y bác sĩ phải đưa ra quyết định trong mù mờ, có thể cứu bệnh nhân nhưng nguy cơ sai sót rất cao.

Ngoài ra, nạn nhân không có người thân để được giải thích, không có người ký cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có biến chứng. Lúc này, bác sĩ trở thành người thân bất đắc dĩ, vừa là người chịu trách nhiệm cho bệnh nhân.

"Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định sáng suốt, kịp thời. Ở nơi tưởng như vô cảm nhất lại là nơi khơi dậy tình người rõ ràng nhất", bác sĩ cho hay.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cấm từ chối hoặc chậm trễ trong cấp cứu người bệnh. Việc cấp cứu phải được thực hiện kịp thời, phù hợp với tình trạng bệnh, kể cả khi chưa có ý kiến người đại diện. Cơ sở y tế phải ưu tiên nhân lực, thiết bị, thuốc men cho cấp cứu và sẵn sàng chuyển viện nếu cần. Chỉ sau khi bệnh nhân đã ổn định, bệnh viện mới được thu tạm ứng viện phí, không được từ chối người dân dù chưa rõ danh tính hay không có bảo hiểm. Cơ sở y tế có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho người bệnh từ lúc tiếp nhận đến khi chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc khi người bệnh tử vong.

Bác sĩ kiểm tra, ghi chép thông tin cần thiết của bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy

Bác sĩ kiểm tra, ghi chép thông tin cần thiết của bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy

Áp lực thứ hai là viện phí. Theo TS.BS Quan Thế Dân, Giám đốc chuyên môn bệnh viện đa khoa Trí Đức Thành, cấp cứu cho bệnh nhân vô danh hoặc người không có khả năng chi trả là quyết định nhân đạo, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính cho bệnh viện. Khi người bệnh không có giấy tờ, không người thân bảo lãnh hoặc bỏ trốn sau điều trị, chi phí nằm viện, thuốc men và các dịch vụ y tế rất dễ trở thành "khoản nợ xấu" không thể thu hồi, sẽ "cấu" vào ngân sách và quỹ phúc lợi cho nhân viên của bệnh viện.

Theo tiến sĩ Dân, hiện các cơ sở đã có phòng công tác xã hội, với một trong các nhiệm vụ là kêu gọi quyên góp từ nhiều nguồn để hỗ trợ thanh toán cho bệnh nhân trốn hoặc gặp khó khăn về viện phí, giảm gánh nặng trách nhiệm trực tiếp cho y bác sĩ. Cũng có những nơi làm tốt việc này, nhưng ở phần lớn bệnh viện, đặc biệt là các tuyến dưới, nguồn lực huy động được còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, "đây không phải là rào cản với việc cấp cứu người bệnh, bởi trong y học, cứu người là mệnh lệnh tối thượng, không phụ thuộc vào khả năng chi trả", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói, nhấn mạnh bệnh nhân không có tiền vẫn được cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người dân có thể vào khám trước, tạm hoãn việc đóng tiền đến khi có chỉ định cận lâm sàng. Ở nhiều cơ sở y tế khác, quy trình tiếp nhận cấp cứu vẫn được ưu tiên, kể cả khi người bệnh không có người thân hoặc danh tính rõ ràng. Nhân viên vừa rà soát, vừa thông báo tìm người thân để bảo đảm bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương, nhấn mạnh viện phí là cần thiết nhưng không phải là "tiêu chuẩn" để cứu người. Chưa kể, cấp cứu thường tính bằng giây, nhân viên y tế luôn ưu tiên cứu chữa người bệnh. Đơn vị có quỹ riêng để giải quyết trường hợp vô danh, chưa có tiền đóng viện phí, "tạo điều kiện cho y bác sĩ yên tâm công tác".

Bác sĩ Trương Lê Tuấn Anh, Phó Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cũng khẳng định từ trước đến nay, các bệnh nhân vô danh hay vô gia cư vẫn được bệnh viện lo đàng hoàng, đầy đủ. Với người tàn phế, đơn vị sẽ liên hệ các trung tâm xã hội tiếp nhận. Tại đó, bệnh nhân sẽ được chăm lo tắm rửa, ăn uống, thuốc men… May mắn, nhiều trường hợp vô danh chỉ trong 15-20 ngày đã tìm được thân nhân hoặc người chăm sóc.

Bác sĩ Thuần đang thực hiện can thiệp mạch máu não cho một bệnh nhân đột quy. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Thuần đang thực hiện can thiệp mạch máu não cho một bệnh nhân đột quy. Ảnh: Thùy An

Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Thuần nói y đức không chỉ nằm ở kỹ thuật hay chuyên cao, mà ở quyết định không bỏ rơi một con người. Tuy nhiên, cấp cứu người bệnh vô danh vẫn là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với lương tri của một bác sĩ. Do đó, các y bác sĩ cần rèn luyện, nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu người. Là người "đứng mũi chịu sào", anh tự trau dồi kiến thức pháp lý để bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và cả người bệnh.

Khi có bệnh nhân vô danh nhập viện, bác sĩ vẫn tuân thủ quy trình tiếp nhận, đánh giá và điều trị, song cần thông báo với lãnh đạo để có phương án phù hợp. Trường hợp chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại, bác sĩ cần chủ động lưu ghi âm để có cơ sở pháp lý sau này.

"Có thể với mọi người, đây chỉ là ca cấp cứu không thông tin nhưng với tôi là một sinh mệnh. Tôi tin không bác sĩ nào bỏ rơi người bệnh chỉ vì họ vô danh", bác sĩ Thuần tâm sự.

Thùy An