Gene di truyền, lối sống, môi trường, tuổi tác có thể làm tăng hoặc giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Môi trường
Tiếp xúc chất ô nhiễm hạt có thể gây kích ứng đường thở, tổn thương phổi, làm trầm trọng thêm bệnh đường hô hấp. Các yếu tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí trong nhà hoặc ngoài trời như cháy rừng, khí thải xe cộ, bào tử nấm mốc, khói thuốc, các chất gây dị ứng (phấn hoa, lông vật nuôi, mạt bụi), hóa chất từ các sản phẩm vệ sinh gia dụng.
Tiếp xúc kéo dài với radon làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Radon là loại khí phóng xạ có thể thấm vào nhà từ mặt đất. Khí radon không có mùi nên gia đình có thể mua bộ dụng cụ kiểm tra.
Lối sống
Một số thói quen sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi bao gồm:
Mức độ hoạt động: Tập thể dục thường xuyên tốt cho phổi. Ngược lại, lối sống ít vận động có liên quan đến việc giảm chức năng của cơ quan này.
Hút thuốc: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh và tổn thương phổi có thể phòng ngừa được. Hút thuốc lá gây kích ứng đường thở và mô phổi, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính và sẹo. Hít phải chất độc trong thuốc lá, thuốc lá điện tử cũng làm giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nghề nghiệp: Các công việc liên quan đến việc tiếp xúc với bụi, hóa chất, kim loại hoặc khói có thể gây kích ứng, tổn thương đường hô hấp và phổi. Lính cứu hỏa, thợ mỏ, công nhân khai thác gỗ… có nguy cơ mắc bệnh về phổi liên quan đến nghề nghiệp cao.
Di truyền
Một số đột biến gene di truyền có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi, thúc đẩy phát triển bệnh ung thư phổi.
Tuổi tác
Chức năng phổi suy giảm tự nhiên theo tuổi tác vì các cơ, mô giữ cho đường thở suy giảm. Các phế nang trở nên nhão, hệ thống miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Những yếu tố này kết hợp cùng nhau khiến sức khỏe phổi suy giảm.
Các triệu chứng của tổn thương phổi
Tiếp xúc kéo dài với chất gây kích ứng phổi gây tổn thương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như ho mạn tính kéo dài 8 tuần hoặc lâu hơn, khó thở (nhất là khi hoạt động thể chất), ho ra chất nhầy hoặc máu, thở khò khè, cảm giác khó chịu hoặc tức ngực.
Để tăng cường sức khỏe phổi, mỗi người nên tập thở vài phút mỗi ngày. Thói quen này cũng cải thiện dung tích phổi, giúp tâm trạng thoải mái. Tập thở bằng cơ hoành để cải thiện lượng khí hít vào và thở ra. Người tập thực hiện động tác này trong nhiều lần trong ngày nếu có nhiều thời gian.
Lê Nguyễn (Theo Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp