2 lượt xem

Bé gái bị trật khớp háng bẩm sinh

TP HCMBé Trinh, 2 tuổi, bị trật khớp háng bên trái bẩm sinh, đã phẫu thuật song bệnh tái phát, bác sĩ phải mổ thêm hai lần.

Bé được phẫu thuật tại một bệnh viện vào tháng 4 năm ngoái. Sau 5 tháng, bé được tháo bột, tái khám phát hiện hai chân không bằng nhau, đi khập khiễng, khó vận động khớp háng bên trái. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị tiếp.

ThS.BS.CKI Tôn Thị Anh Tú, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết phần chỏm xương đùi bệnh nhi bị tái trật ra khỏi ổ cối (phần xương chậu) cần phẫu thuật lại lần hai để mở rộng và tạo hình lại, chỉnh trục xương đùi, nắn chỏm xương đùi vào ổ cối. Sau đó, bác sĩ dùng nẹp vít cố định lại.

Êkíp tiếp cận cấu trúc khớp háng bị trật, tách cơ bám vào mào chậu, mở rộng ổ cối, đặt lại chỏm xương đùi, đưa khớp háng về đúng vị trí. Sau đó đặt nẹp vít để cố định, khâu tái tạo lại bao khớp háng, đóng vết mổ. Bé được chăm sóc hậu phẫu, xuất viện sau một tuần.

Theo bác sĩ Tú, sau phẫu thuật, bệnh nhi cần cố định bằng bó bột trong vài tháng để đảm bảo khớp háng vẫn ổn định và ở đúng vị trí. Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, theo dõi tại nhà, cho bé vận động nhẹ nhàng, tái khám theo lịch hẹn. Tháng 5 năm nay, bé tái khám, khớp háng về đúng cấu trúc thông thường. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật lần thứ ba để tháo nẹp vít, kết thúc quá trình điều trị.

Bác sĩ Tú (giữa) phẫu thuật tháo nẹp cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tú (giữa) phẫu thuật tháo nẹp cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trật khớp háng bẩm sinh hay loạn sản khớp háng trong quá trình phát triển (Developmental Hip Dysplasia – DDH) xảy ra khi chỏm xương đùi (khối hình tròn đầu trên xương đùi) trật ra ngoài ổ cối xương chậu, xuất hiện ngay sau khi trẻ chào đời hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Bệnh có thể phát hiện ngay bằng những dấu hiệu như nếp ở mông, bẹn, đùi không đồng đều, chân hướng ra bên ngoài hoặc chiều dài hai chân chênh lệch nhau, tầm vận động khớp háng bị hạn chế. Trẻ lớn hơn sẽ phát hiện khi tập đi có dáng điệu bất thường, chân cao, chân thấp, đi khập khiễng.

Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh ảnh hưởng đến dáng đi, ngoại hình khiến trẻ tự ti. Tình trạng gây ra biến chứng nặng nề như vẹo cột sống, hoại tử chỏm xương đùi, viêm khớp thoái hóa, đau nhức kéo dài…

Bác sĩ Tú cho biết trật khớp háng bẩm sinh cần phát hiện, điều trị sớm để đảm bảo hiệu quả điều trị, lý tưởng nhất là tháng đầu sau sinh, lúc này xương trẻ còn mềm dẻo, dễ dàng nắn chỉnh và tạo hình, giúp khớp háng hoạt động tốt. Bệnh nhi điều trị sớm có thể sử dụng nẹp, không cần phẫu thuật nắn chỉnh. Ngoài tái trật khớp háng, phẫu thuật này có thể thể xảy ra biến chứng như nhiễm trùng vết thương do vệ sinh vết thương không đúng cách, vùng da bó bột bị kích ứng, cứng khớp, rối loạn tăng trưởng xương đùi.

Phụ huynh cần giữ chỗ bó bột của trẻ sạch sẽ, không bị ẩm ướt, không nên di chuyển nhiều để khớp háng ổn định, đảm bảo phục hồi chức năng, hạn chế nguy cơ bị lỏng khớp hoặc tái trật. Tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá tốc độ phục hồi và kiểm soát rủi ro biến chứng.

Phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ nếu có biểu hiện chân không đều nhau như chênh lệch độ dài, bàn chân có xu hướng đưa ra bên ngoài khi duỗi thẳng, đi khập khiễng (nếu trẻ đã biết đi), khó khăn dạng khớp háng, vận động khớp háng bị hạn chế… Chủ động tầm soát xem bé có trật khớp háng bẩm sinh hay không khi trong gia đình có người bị, bé sinh ngôi mông, con so, có các dị tật khác phối hợp.

Đình Lâm

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp