Khi bạn hít phải mùi tiêu hoặc hành tây, có thể bạn sẽ cảm thấy cơn hắt hơi liên tục xuất hiện. Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến nhiều người thắc mắc về nguyên nhân thực sự. Liệu có phải đây là dấu hiệu của dị ứng hay không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nguyên nhân gây hắt hơi khi tiếp xúc với tiêu và hành tây
Mũi của chúng ta có vai trò quan trọng trong việc lọc không khí trước khi nó đi vào phổi. Ngoài việc làm ẩm và ấm không khí, mũi còn sản xuất chất nhầy để loại bỏ vi khuẩn và các dị vật. Tuy nhiên, một số chất kích thích từ môi trường bên ngoài vẫn có thể xâm nhập vào, gây ra phản ứng hắt hơi.
Tiêu và hành tây chứa các hợp chất dễ bay hơi như piperine trong tiêu và allyl propyl disulfide trong hành tây. Khi hít phải những chất này, chúng sẽ kích thích các đầu dây thần kinh trong niêm mạc mũi và mắt, dẫn đến cảm giác cay và chảy nước mắt. Để loại bỏ những chất kích thích này, cơ thể sẽ tự động phản ứng bằng cách hắt hơi. Đồng thời, các chất này cũng kích thích dây thần kinh sinh ba, truyền tín hiệu đến não và kích hoạt phản xạ hắt hơi.
Không cần quá lo lắng về phản ứng này
Việc hắt hơi liên tục khi ngửi mùi tiêu hoặc hành tây là một phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với các chất lạ, không nhất thiết phải là dấu hiệu của dị ứng. Tuy nhiên, những người có niêm mạc mũi nhạy cảm hoặc mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm xoang hay hen suyễn có thể gặp phải phản ứng mạnh hơn, dẫn đến hắt hơi kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác.
Cách giảm thiểu tình trạng hắt hơi
Để giảm thiểu tình trạng hắt hơi khi chế biến thức ăn, bạn nên đeo khẩu trang để hạn chế lượng chất kích thích xâm nhập vào mũi. Ngoài ra, hãy giữ không gian thông thoáng khi cắt hành tây hoặc nghiền tiêu để giảm nồng độ hợp chất bay hơi trong không khí. Một mẹo hữu ích là làm lạnh hành tây trước khi cắt, sử dụng dao sắc hoặc cắt hành dưới nước để giảm thiểu lượng hợp chất dễ bay hơi, từ đó ngăn ngừa tình trạng hắt hơi.
ThS.BS.CKI Đỗ Thanh Thư
Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7